Cân Nhơn Hòa mở rộng sản xuất ở thị trường Trung Quốc
Giữ vị trí số một tại thị trường cân trong nước không khiến Công ty TNHH Cân Nhơn Hòa tự mãn mà là động lực thúc đẩy công ty tìm đến thị trường mới và mạnh dạn đầu tư để trở thành một trong số những DN Việt hiếm hoi có được thị phần lớn tại thị trường Trung Quốc trong nhiều năm.
Năm 2010, sự kiện Cân Nhơn Hòa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cân lò xo tại khu công nghiệp Giang Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với diện tích rộng hơn 6ha và tổng vốn đầu tư 6 triệu USD gây không ít ngạc nhiên trên thị trường.
Nguyên nhân vì công ty này sản xuất cân, một sản phẩm rất hạn chế về mức tiêu thụ tại một thị trường được xem là trung tâm hàng nhái, hàng giá rẻ như Trung Quốc.
Năm 2010, thương hiệu cân Nhơn Hòa đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với doanh số bán ra tại thị trường nội địa đạt khoảng 2,1 triệu sản phẩm, mang về doanh thu 520 tỷ đồng và gần như độc chiếm thị trường trong nước với hơn 95% thị phần.
Những hồ nghi về sự tồn tại và phát triển tại thị trường Trung Quốc của thương hiệu này không chỉ xuất hiện trong các DN Việt mà ở cả một số cơ quan xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Công Việt, Phó Tổng giám đốc Cân Nhơn Hòa, chia sẻ do năm 2000, Cân Nhơn Hòa tham gia hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở Côn Minh, thấy cách tiêu dùng ở đó cũng tương tự như ở Việt Nam, nhưng dân số lại đông hơn rất nhiều.
Hơn nữa, tại các chợ, tiểu thương Việt Nam sang bỏ hàng cũng mang theo cân Nhơn Hòa nên nhiều tiểu thương Trung Quốc biết đến, gửi mua hộ mang qua. Rồi theo các phiên chợ lên các tỉnh phía Bắc Trung Quốc, công ty nhận thấy sản phẩm cân Nhơn Hòa cũng đã có mặt.
Thấy thị trường chấp nhận sản phẩm, một xưởng nhỏ lắp ráp cân Nhơn Hòa để bán thử nghiệm được ra đời và vài năm sau đó, lượng cân bán ra ngày càng tăng. Bước đi thăm dò thuận lợi, Cân Nhơn Hòa đã mở nhà máy tại Trung Quốc và đến nay, đây vẫn là công ty tư nhân duy nhất của Việt Nam đầu tư nhà máy tại thị trường Trung Quốc.
Ông Việt cũng cho biết đa số DN Việt ngại thâm nhập Trung Quốc vì nạn hàng nhái, hàng giả. Cân Nhơn Hòa đã tự xác định là phải “sống chung với lũ”. Thực tế, công ty đã đối mặt với vấn nạn này khi bị một cơ sở khác nhái sản phẩm với thương hiệu Nhơn Hợp.
Phát hiện sự việc, Cân Nhơn Hòa gửi đơn khiếu kiện nhưng không giải quyết được. Rút kinh nghiệm, Nhơn Hòa đã đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay tại thị trường này. Đồng thời, để giữ vững thị phần, công ty luôn đảm bảo nguồn cung, chất lượng và không ngừng nghiên cứu cải tiến để nâng cao chất lượng.
Nỗ lực của công ty đã được ghi nhận khi không chỉ người Trung Quốc ủng hộ cân Nhơn Hòa mà mới đây, các phương tiện truyền thông địa phương cũng phát đi khuyến cáo dân không sử dụng cân giả mà nên dùng cân có chất lượng, uy tín.
Nỗ lực giữ thị phần
Có thể nói, việc Cân Nhơn Hòa đầu tư nhà máy tại Trung Quốc là một chiến lược phát triển hợp lý trong bối cảnh chung của thị trường.
Sau khi thành lập Công ty TNHH vào năm 1998, Cân Nhơn Hòa đã xây dựng được hệ thống nhà máy rộng gần 6ha tại TPHCM, bao gồm 8 xưởng sản xuất cung cấp khoảng 8.000 sản phẩm mỗi ngày, mức tăng trưởng sản lượng và doanh số vẫn luôn ổn định 15-20%/năm.
Sản xuất cân tại Nhà máy Cân Nhơn Hòa.
Song, cân là một sản phẩm có thời gian sử dụng rất lâu, thống kê năm 2010, cả nước có khoảng 22 triệu hộ dân, tổng số lượng cân được tiêu thụ đạt khoảng 2,2 triệu chiếc cân được phân phối trên thị trường. Như vậy, trung bình 10 hộ có 1 hộ mua và sử dụng nên nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước không còn nhiều.
Những năm đó, cân Nhơn Hòa cũng đã được xuất khẩu sang 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, thành công trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng Malaysia, từng bước chinh phục thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan trong khi thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác.
Tại Hội thảo “Thâm nhập thị trường Trung Quốc – Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và kinh nghiệm những người đi trước” diễn ra mới đây, ông Việt cho biết ban đầu, khi đơn độc sang đầu tư tại thị trường Trung Quốc, công ty đối mặt không ít khó khăn do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ.
Đồng thời, chính sách ở Trung Quốc cũng không đồng bộ, chính sách xuất nhập khẩu, thuế đều do từng địa phương quy định chứ không phải theo chính sách chung của trung ương. Để giảm bớt khó khăn, công ty phải tìm đối tác là người bản địa, có kinh nghiệm về kinh doanh, tài chính, kế toán để hỗ trợ.
Sau hơn 10 năm có mặt tại thị trường này, Cân Nhơn Hòa không chỉ nỗ lực phát triển hệ thống kho bãi, phân phối, đại lý để đảm bảo nguồn cung mà còn không ngừng nâng cao chất lượng để tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng.
Dù đã có tiếng trên thị trường khu vực, Cân Nhơn Hòa cũng không lơ là người tiêu dùng trong nước khi mấy năm nay vẫn không ngừng ngược xuôi từ Nam tới Bắc, theo những chuyến hàng Việt đưa sản phẩm về những vùng nông thôn xa xôi phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.
Nguồn: Nhonhoa.net sưu tầm trên internet