Câu chuyện màu xanh Cân Nhơn Hòa

TTXuân – Khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn xuống tôi luôn thấy một mái nhà phẳng to màu xanh nổi rõ hai chữ Nhơn Hòa.
Màu xanh đó quả thật đã cùng chúng tôi đi khắp nơi: tất cả phiên chợ hàng Việt nông thôn (mỗi hai tuần), tất cả hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (mỗi tháng).

cau-chuyen-mau-xanh-can-nhon-hoa Cân Nhơn Hòa được dùng phổ biến tại chợ ở Đông Hưng, Trung Quốc

Dưới mái lều xanh cao và thoáng của phiên chợ nông thôn, những chàng nhân viên bán hàng áo thun xanh gọn gàng trìu mến vuốt tay trên mặt kính những cái cân đồng hồ lò xo cũng xanh, đon đả: “Em gái ơi, ăn ba ly kem một lúc, sáng mai nhớ leo lên cân Nhơn Hòa tụi anh nhé!”, “Bác hổng tin cân Nhơn Hòa chắc chắn thì thử đi, hai tay hai cái, một Nhơn Hòa, một cân điện tử, giơ lên ném cái rầm là biết đá biết “dàng” bác ơi!”…

Đi mở thị trường ở Trung Quốc

Đi các hội chợ quốc tế xa không có Nhơn Hòa cùng dự, tôi không quên gom tài liệu hay chụp ảnh các gian hàng cân đem về làm quà cho bạn của tôi: anh Bùi Đình Thắng – phó tổng giám đốc. Hôm đi hội chợ xuất khẩu lớn của Indonesia, tôi lại có một món quà khác cho anh: đến thăm sứ quán, ông Trần Quang Thu – tham tán công sứ – kể: Hàng Việt bên này còn ít lắm, nhưng điều ngạc nhiên là không biết sao hay ghê, có đến hầu như 70% chợ ở đây xài cân Nhơn Hòa. Tôi giải thích: Cân tốt, mà Nhơn Hòa siêng làm thị trường lắm. Họ có nhà máy sản xuất cân bên Trung Quốc nữa. Ông Thu cười: Chà, mở xưởng làm cân ở bển hả, cắc cớ dữ!

Đúng, mở nhà máy ở Trung Quốc, chui vào tận trung tâm hàng nhái, hàng rẻ mà sản xuất cân, một thứ công cụ đo lường khắc nghiệt, Nhơn Hòa quả là cắc cớ. Sau sáu năm, chuyện làm ăn đang ngày một khá lên. Anh Thắng nhắc: “Duyên nợ với thị trường khổng lồ này bắt đầu từ năm 2000 khi tụi mình làm hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Côn Minh.

Thấy tình hình kinh tế, cách tiêu dùng xứ đó cũng hao hao mình mà dân rất đông, tụi tui hi vọng. Ra chợ mới thấy nhiều bà bán trái cây Việt Nam qua tận các chợ bên này mang theo cân Nhơn Hòa để xài, cũng như “tiếp thị” giùm, tiểu thương Trung Quốc thấy cân xài được nhờ mua đem qua. Những cái cân Nhơn Hòa thâm nhập thị trường Vân Nam ban đầu theo kiểu đó và có lần bạn tôi lên tận phía bắc, Tây Tạng, Tân Cương cũng thấy có bóng dáng Nhơn Hòa. Thấy có vẻ thị trường chấp nhận Nhơn Hòa, chúng tôi bắt đầu mở đại lý rồi thuê xưởng nhỏ, lắp ráp thử ở Trung Quốc và bắt đầu bán thử thăm dò thị trường”.

Mấy năm sau, khi lượng cân bán ở Trung Quốc đã khá, Chính phủ có chính sách ưu đãi các nhà đầu tư mở nhà máy ở tỉnh Quảng Tây, Nhơn Hòa nghiên cứu kỹ và quyết định mở nhà máy. Chuyện đăng ký chất lượng để bán cân ở đây còn nhiêu khê hơn, thủ tục toàn phải làm ở Bắc Kinh nhưng Nhơn Hòa đủ kiên nhẫn theo đến cùng. Nhà máy cân Nhơn Hòa ở Khu công nghiệp Giang Bình (là khu công nghiệp lớn thứ 2 của Quảng Tây) thuộc thành phố Đông Hưng, Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, thuê đất 50 năm.

Chất lượng là hàng đầu

Câu chuyện tiếp theo của nhà máy được kể bởi một “người thật việc thật” đang điều hành nhà máy này: Nguyễn Công Việt, phó tổng giám đốc công ty, tốt nghiệp quản trị kinh doanh ở Mỹ, tốt nghiệp EMBA của Bỉ, và giờ chỉ huy nhà máy ở Trung Quốc. Gặp Việt mới biết đây chính là Việt “bạn đồng môn” lớp EMBA với mình. Một chàng trai có hai con nhỏ xíu mà mấy năm nay Việt hầu như ở hẳn Trung Quốc, lăn lộn với nhà máy mới.

Việt kể tiền lương công nhân ở đây cao chừng gấp đôi ở Việt Nam nhưng họ làm năng suất cao lắm. Lúc đầu, Việt tuyển thanh niên cỡ đôi mươi làm lực lượng lao động chính, nhưng họ có quá nhiều cơ hội việc làm, cả nhiều thú vui chơi nữa nên lao động không ổn định. Sau đó tuyển các chị phụ nữ, tuổi từ 27 đến 35, có gia đình ổn định thì các chị chỉ có tập trung toàn tâm toàn ý để giữ ổn định việc làm nên hiệu quả hơn hẳn.

Việt thuê cán bộ quản lý với bộ máy thật tinh gọn, chỉ mấy người, lương kiêm nhiệm gấp đôi thời giá và mời hẳn ba cố vấn là cán bộ nhà nước về hưu, có quan hệ tốt với chính quyền. Số lượng công nhân lúc đầu hơn 100, nay còn 67, năng suất ổn định và sản phẩm bán tốt, cạnh tranh được.

Cũng có chuyện thường ngày là xuất hiện cân giả, vỏ cân cũng đúng màu xanh, cũng lấy hiệu na ná là Nhơn Hợp, Nhơn Hòa phải khiếu nại với cơ quan quản lý, và mới đây tin vui là ông phó bí thư thành phố đã nói trên sóng truyền hình địa phương, khuyến cáo dân không xài cân giả mà nên xài cân có chất lượng, uy tín. Bây giờ trên vùng đất từ biên giới Quảng Ninh đến sâu vào đất Trung Quốc 60km của Đông Hưng, người ta xài cân Nhơn Hòa.

Chất lượng là vấn đề hàng đầu để đứng vững ở thị trường Trung Quốc, và riêng với cân thì chính là chất lượng chứ không phải giá. Thực tế chỉ có giữ vững chất lượng mới giữ được uy tín và khách hàng. Để giữ vững chất lượng, hầu hết thiết bị liên quan yếu tố chính xác của cân (vỏ hộp cân, lò xo, kim, thanh răng, mặt số…) đều được nhập chính ngạch bằng container từ công ty mẹ Nhơn Hòa, Việt Nam.

Ngoài ra, còn phải không ngừng đưa ra sản phẩm mới. Khó khăn hơn là vấn đề tạo động lực cho người lao động, chính sách đãi ngộ hợp lý. Đối xử với công nhân, cán bộ quản lý toàn là người Trung Quốc mới đầu không dễ. Đeo bám nhà máy, lắng nghe sáng kiến của họ, tạo mối quan hệ chân thành, dễ chịu và xây dựng văn hóa công ty sao cho người bản địa chấp nhận là gánh nặng lớn nhất. Ổn định sản xuất rồi Việt mới đi mở thị trường ở các tỉnh thành khác, mỗi tỉnh chỉ mở tối đa hai đại lý để ít bán lấn địa bàn của nhau.

Có đi mới đến

Câu chuyện đi mở thị trường của Nhơn Hòa thật sống động và luôn căn cơ, kiên trì. Biết rằng Nhơn Hòa không được dùng ở châu Âu, Mỹ (họ dùng cân điện tử), Nhơn Hòa tìm đường đến các nước đang phát triển ở châu Á, Trung Đông. Tôi hỏi sao Nhơn Hòa đến được Indonesia khi mà ngân sách xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 cho thị trường này còn bằng 0?

Anh Thắng lại nhắc: “Chị nhớ lần mình tổ chức hội chợ ở Suntec City Singapore không? Lần đó, có nhiều khách hàng từ Malaysia, Indonesia và Trung Đông đến hỏi mua hàng mẫu và tụi tôi tiếp tục khơi thêm, đeo và giữ cho tới bây giờ. Tụi tôi thích những cuộc ra quân rầm rộ, chuông trống vang xa như hội chợ của mình ở Campuchia, nhưng nhỏ hơn như ở Côn Minh, Singapore cũng tốt. Nhiều khi lẻ loi, đơn độc cũng phải lặn lội, có đi mới đến.

Cũng lắm khi đi không đến, như thị trường Ấn Độ thì bị thua, nhưng hầu hết đến những hội chợ chuyên nghiệp, xót đồng tiền bỏ ra, theo đến cùng là có kết quả”. Anh phân tích: Cách dùng cân các nước châu Á – Asean, mỗi nước thay đổi một chút về đơn vị đo lường mình phải thích nghi, miễn giữ vững chất lượng. Bên Thái Lan dùng cân hai mặt nghiêng. Indonesia thì không phải chuyển đổi mặt số nhưng phải chờ cơ quan quản lý đo lường kiểm tra từng cái cân rồi mới cho nhập. Sai số cho phép chỉ là cộng trừ 0,66%.

Mà không chỉ có thị trường xuất khẩu, Nhơn Hòa còn siêng năng hiếm thấy với thị trường nông thôn nội địa. Suốt năm 2011, 2012, Nhơn Hòa tham gia tất cả phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, bao giờ gian hàng cũng có một góc trưng bày đối chiếu cân thật – cân giả và hướng dẫn phân biệt.

Năm 2012, xuất hiện một cán bộ tiếp thị điềm đạm nhỏ nhẹ: Terence Trường Vũ, Việt kiều Mỹ, cùng các “áo xanh” lặn lội khắp các chợ nông thôn. Xem ra Nhơn Hòa đã lẳng lặng chuẩn bị một đội ngũ cán bộ quản lý kế thừa đều được đào tạo ở các chương trình MBA tại các nước phát triển (họ dùng cân điện tử và đào tạo người cho Nhơn Hòa).

Có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tự bỏ tiền, lặng lẽ, lặn lội đi đến những thị trường nhỏ xa xôi, đôi khi đơn độc thua buồn? Họ không tơ tưởng đến những khoản tiền tài trợ vô ích vô bổ, nhưng chắc họ luôn rất cần và hoàn toàn có quyền đòi hỏi được cung cấp thông tin, được tư vấn để chọn lựa các hội chợ quốc tế, các thị trường xa phù hợp hơn, tiềm năng hơn.

Đến thị trường Indonesia lần đầu, tôi phải cố lắm để không bật ra tiếng thở dài khi nhìn thấy ông Dalton, tham tán thương mại Indonesia tại Việt Nam, chạy vạy nhiều nơi để mua được 30kg hương vị xí muội mang về TP.HCM giùm cho… một doanh nghiệp Việt Nam ở thành phố mình. Hỡi ơi, trông người…

Theo KIM HẠNH
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20130214/mau-xanh-nhon-hoa/532294.html